Trong giai đoạn 1988-1990, mặc dù Luật Đầu tư nước ngoài mới ra đời nhưng đã có tổng cộng 211 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 1,6 tỷ USD. Giai đoạn 1991-1996,được xem là giai đoạn bùng nổ ĐTNN tại Việt Nam (làn sóng ĐTNN thứ nhất) khi có tổng số 1.781 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 27,82 tỷ USD. Có thể nói đây là giai đoạn môi trường đầu tư-kinh doanh tại Việt Nam bắt đầu hấp dẫn nhà đầu tư do chi phí kinh doanh thấp, nhân công rẻ, thị trường mới... ĐTNN tăng trưởng nhanh chóng đã có tác động tích cực đến các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Giai đoạn 1997-2000, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính khu vực, ĐTNN suy giảm đáng kể, chỉ có1.352 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 16,1 tỷ USD. Cũng trong thời gian này, nhiều dự án phải tạm dừng hoạt động do khó khăn tài chính của các nhà đầu tư.
Giai đoạn 2001-2005, ĐTNN có dấu hiệu phục hồi chậm, tuy vậy đã có tới 3.935 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 20,72 tỷ USD. Nhìn chung giai đoạn này vốn đầu tư năm sau cao hơn năm trước song đa phần là các dự án qui mô vừa và nhỏ.
Giai đoạn 2006-2010, dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam bắt đầu gia tăng mạnh mẽ với tổng số dự án được cấp phép là 5.441 dự án, vốn đăng ký 113,43 tỷ USD. Đặc biệt trong 2 năm 2006-2007, dòng vốn ĐTNN vào Việt Nam tăng đột biến (2.432 dự án cấp phép với tổng vốn 32,3 tỷ USD) với sự xuất hiện của nhiều dự án qui mô lớn trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, cho thấy sự xuất hiện của làn sóng ĐTNN thứ hai vào Việt Nam. Trong 3 năm tiếp theo 2008-2010, bất chấp những ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục “chảy” vào Việt Nam với số tổng số dự án được cấp phép là 3.734 dự án, tổng vốn đăng ký 113,43 tỷ USD, vốn thực hiện 32,5 tỷ USD.
Cùng với việc thu hút các dự án đầu tư mới, nhiều dự án hoạt động có hiệu quả đã mở rộng qui mô sản xuất kinh doanh, tăng vốn đầu tư. Tính đến hết 2010 có khoảng 4.895 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm hơn 29,17 tỷ USD.. Vốn tăng thêm chủ yếu tập trung vào các dự án công nghiệp của các nhà đầu tư Châu Á và được thực hiện chủ yếu tại vùng kinh trọng điểm phía Nam. Theo khảo sát gần đây, 70% doanh nghiệp ĐTNN có kế hoạch tăng vốn, chứng tỏ sự tin tưởng vào môi trường đầu tư của Việt Nam.
Vốn ĐTNN đăng ký vào Việt Nam giai đoạn 1988 - 2010 |
||
Giai đoạn |
Số dự án (cấp phép mới) |
Vốn đăng ký (tỷ USD) |
1988-1990 |
211 |
1,6 |
1991-1996 |
1.781 |
27,83 |
1997-2000 |
1.352 |
16,09 |
2001-2005 |
3.935 |
20,72 |
2006-2010 |
5.411 |
132,58 |
Về cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài theo ngành nghề, tính đến hết năm 2010, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có tỷ trọng lớn nhất với 8.375 dự án đầu tư (chiếm 61,9% số dự án), tổng vốn đăng ký 119,5 tỷ USD (chiếm 56% vốn đăng ký). Những ngành thu hút đầu tư chủ yếu là thăm dò khai thác và chế biến dầu khí, sản phẩm điện và điện tử, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng dệt may, công nghệ thông tin.... Trong khu vực dịch vụ, hiện có 4.420 dự án đầu tư (chiếm 32,6% số dự án), tổng vốn đăng ký 93,5 tỷ USD (chiếm 43,9% tổng vốn đăng ký). Đầu tư trong lĩnh vực này tập trung chủ yếu vào kinh doanh bất động sản (xây dựng văn phòng, căn hộ, phát triển khu đô thị mới, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp), du lịch-khách sạn và giai thông vận tải, bưu điện... Trong lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp có 749 dự án đầu tư (chiếm 5,6% số dự án) với tổng vốn đăng ký 4,4 tỷ USD (chiếm 0,2% tổng vốn đăng ký). Những dự án chủ yếu thuộc về chế biến nông sản, trồng rừng và chế biến lâm sản, thuỷ sản...
Vốn ĐTNN phân theo ngành nghề (1988-2010) |
||||||
Ngành nghề |
Số dự án (còn hiệu lực) |
% tương ứng |
Vốn đăng ký (tỷ USD) |
% tương ứng |
Vốn thực hiên (tỷ USD) |
% tương ứng |
Công nghiệp – xây dựng |
8.375 |
61,83 |
119,5 |
56 |
20,042 |
68 |
Dịch vụ |
4.420 |
32,6 |
93,5 |
43,9 |
7,4 |
25,1 |
Nông – lâm - nghiệp |
749 |
5,6 |
4,4 |
0,2 |
2,3 |
6,9 |
Tổng số |
13.544 |
100 |
213.025 |
100 |
29,7 |
100 |
Về địa bàn đầu tư, đến nay tất cả các địa phương đã có dự án ĐTNN, tuy vậy tập trung chủ yếu tại các địa bàn trọng điểm, có lợi thế cạnh tranh và là động lực phát triển kinh tế quốc gia. Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc có 3.557 dự án với vốn đầu tư 41,145 tỷ USD, chiếm 26,3% số dự án, 19,3% tổng vốn đăng ký cả nước, trong đó đứng đầu là Hà Nội (987 dự án, 12,4 tỷ USD vốn đăng ký), tiếp đến Hải Phòng (268 dự án, 2,6 tỷ USD), Vĩnh Phúc (140 dự án, 1,8 tỷ USD), Hải Dương (271 dự án, 1,7 tỷ USD), Bắc Ninh (106 dự án, 0,93 tỷ USD), Quảng Ninh (94 dự án, 0,77 tỷ USD). Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thu hút 7.791 dự án với tổng vốn đầu tư 95,435 tỷ USD, chiếm 57,5% số dự án, 44,8% tổng vốn đăng ký cả nước, trong đó TP HCM dẫn đầu (2.398 dự án, 16,5 tỷ USD vốn đăng ký), tiếp đến Đồng Nai (918 dự án, 11,6 tỷ USD), Bình Dương (1.570 dự án, 8,4 tỷ USD), Bà Rịa-VũngTàu (159 dự án, 6,1 tỷ USD),.... Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thu hút được 901 dự án với tổng vốn đăng ký 58,92 tỷ USD, chiếm 6,7% số dự án và 27,7% tổng vốn đăng ký cả nước, trong đó Phú Yên dẫn đầu (39 dự án, 1,9 tỷ USD vốn đăng ký), tiếp đến là Đà Nẵng (113 dự án, 1,8 tỷ USD), Quảng Ngãi (15 dự án, 1,1 tỷ USD). Các khu vực Miền núi và trung du phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài còn thấp và dưới tiềm năng.
Vốn ĐTNN phân theo địa phương (1988-2010) |
||||
Địa phương |
Số dự án |
% tương ứng |
Vốn đầu tư (tỷ USD) |
% tương ứng |
Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc |
3.557 |
26,3 |
41,14 |
19,3 |
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam |
7.791 |
57,5 |
95,43 |
44,8 |
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung |
901 |
6,7 |
58,92 |
27,7 |
Tính đến hết 2010, hai hình thức ĐTNN phổ biến nhất ở Việt Nam là 100% vốn nước ngoài và liên doanh . Các hình thức khác như hợp đồng hợp tác kinh doanh, hợp đồng kinh doanh-chuyển giao (BOT, BT, BTO...) và công ty cổ phần ít được lựa chọn.
Về đối tác đầu tư: trong hơn 20 năm qua đã có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong đó các nước châu Á chiếm 69%, chủ yếu là khu vực Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông) chiếm xấp xỉ 50% tổng vốn đầu tư, các nước ASEAN chiếm 19%. Các nước châu Âu chiếm 24%, trong đó EU 10%. Các nước châu Mỹ chiếm 5%, riêng Hoa Kỳ chiếm 3,6%. Tuy nhiên nếu tính cả số vốn đầu tư từ các chi nhánh tại nước thứ ba của các nhà đầu tư Hoa Kỳ thì vốn đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam chiếm khoảng 6%. Hai nước châu Úc chỉ chiếm 1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hiện đã có 15 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vốn đăng ký cam kết trên 1 tỷ USD tại Việt Nam trong đó đứng đầu là Hàn Quốc (13,5 tỷ USD), tiếp theo là Singapore (10,7 tỷ USD), Đài Loan (10,5 tỷ USD), Nhật Bản (9 tỷ USD). Tuy nhiên nếu xét về vốn giải ngân Nhật Bản đứng đầu với gần 5 tỷ USD, tiếp đến Singapore (3,8 tỷ USD), Đài Loan (3,1 tỷ USD) và Hàn Quốc (2,7 tỷ USD).
Trong hơn 20 năm qua, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN đã góp phần đáng kể trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Mức đóng góp trung bình trong GDP tăng từ 6,3% giai đoạn 1991-1995 lên 10,3% giai đoạn 1996-2000, 14,6% giai đoạn 2001-2005 và 18% giai đoạn 2006-2010. Giá trị tổng doanh thu của khu vực có vốn ĐTNN từ 4,1 tỷ USD giai đoạn 1991-1995 đạt 27,1 tỷ USD giai đoạn 1996-2000 và 77,4 tỷ USD giai đoạn 2001-2005, giai đoạn 2006-2010 đạt trên 85 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu của khu vực có vốn ĐTNN giai đoạn 1991-1995 là 1,2 tỷ USD, giai đoạn 1996-2000 là 10,5 tỷ USD, giai đoạn 20001-2006 đạt 34,4 tỷ USD, tuy nhiên chỉ trong 2 năm 2006-2007 đã đạt con số tương đương với cả năm năm trước đó.
Tỷ trọng đóng góp của khu vực có vốn ĐTNN vào GDP (1988-2010) |
|||
Giai đoạn |
Tổng doanh thu (tỷ USD) |
Giá trị xuất khẩu (tỷ USD) |
Đóng góp vào GDP (%) |
1991 – 1995 |
4,1 |
1,2 |
6,3 |
1996 – 2000 |
27,4 |
10, 5 |
10,3 |
2001 – 2005 |
77,4 |
34,4 |
14,6 |
2006 - 2010 |
85 |
34,4 |
18 |
Tác động của đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế
ĐTNN là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho vốn đầu tư đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế, chiếm tỷ trọng 13.1% tổng vốn đầu tư xã hội năm 1990, 32,3% năm 1995, 18,6% năm 2000, 14,9% năm 2005 và trên 16% năm 2007. ĐTNN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, với tỷ trọng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ mức 23,8% năm 1991 tới 41% năm 2005. Bên cạnh đó ĐTNN góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tiên tiến vào Việt Nam, có tác động lan toả đến các thành phần kinh tế khác. ĐTNN đã có đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước với mức đóng góp đạt 1,49 tỷ USD giai đoạn 1996-2000 (không kể dầu thô), gấp 4,5 lần giai đoạn 5 năm 1991-1995. Giai đoạn 2001-2005 thu ngân sách khối doanh nghiệp ĐTNN đạt hơn 3,6 tỷ USD. Giai đoạn 2006-2010 đạt trên 15 tỷ USD. ĐTNN đã góp phần giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế với tỷ trọng xuất khẩu của khu vực ĐTNN trong những năm gần đây luôn đạt trên 55% và có tỷ lệ cao trong một số sản phẩm như dầu thô, điện tử-máy tính, da giày, may mặc...
ĐTNN đã góp phần tạo công ăn việc làm cho trên 1,7 triệu lao động trực tiếp và hàng triệu lao động gián tiếp khác, góp phần cải thiện trình độ nhân lực và nâng cao đời sống một bộ phận dân cư. Hoạt động của các doanh nghiệp có vốn ĐTNN cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước không ngừng đổi mới phương thức công nghệ và quản lý để nâng cao sức cạnh tranh. ĐTNN góp phần mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy nhanh tiến trình tự do hoá thương mại và đầu tư. Về môi trường, doanh nghiệp ĐTNN có tỷ lệ tuân thủ các qui định và tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam tương đối cao.
Tuy vậy ĐTNN cũng có những hạn chế nhất định như sự mất cân đối về ngành nghề kinh doanh và vùng lãnh thổ do tiêu chí của nhà đầu tư là lợi nhuận nên chỉ những ngành, địa phương có điều kiện sinh lợi và lợi thế cạnh tranh cao mới được đầu tư quan tâm dẫn tới sự phân hoá cao độ. Tranh chấp lao động trong lĩnh vực ĐTNN là một thực tế không phải lúc nào cũng giải quyết được kịp thời. Việc chuyển giao công nghệ trong các doanh nghiệp ĐTNN còn nhiều hạn chế.
Thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian tới
Trong thời gian tới, những ngành sẽ ưu tiên thu hút ĐTNN là các ngành có tác động lớn trên phương diện chuyển giao công nghệ nhất là công nghệ cao, công nghệ nguồn, gia tăng xuất khẩu, tạo việc làm, các dự án sản xuất các sản phẩm, dịch vụ có sức cạnh tranh, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng. Các ngành công nghiệp đặc biệt khuyến khích đầu tư là công nghệ thông tin, điện tử-bán dẫn, công nghệ sinh học..., đồng thời khuyến khích thu hút ĐTNN vào các ngành công nghiệp phụ trợ nhằm giảm chi phí đầu vào về nguyên-phụ liệu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước. Từng bước mở cửa các lĩnh vực dịch vụ theo cam kết quốc tế, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác như ngân hàng-tài chính, vận tải, viễn thông, khuyến khích mạnh vốn ĐTNN vào du lịch, y tế, giáo dục-đào tạo. Khuyến khích ĐTNN trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng thông qua các hình thức và cơ chế đầu tư phù hợp. Tiếp tục khuyến khích ĐTNN trong nuôi trồng và chế biến nông, lâm, thuỷ sản.
Trong thời gian tới, dự báo ĐTNN vẫn tập trung chủ yếu vào những điạ phương có điều kiện thuận lợi về địa lý-tự nhiên, nhất là các vùng kinh tế trọng điểm. Để tăng cường thu hút đầu tư tại những vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, ngoài những ưu đãi cụ thể cần đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, đồng thời tập trung thu hút ĐTNN vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trong quy hoạch. Về đối tác, chú trọng hơn vào việc thu hút đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là các tập đoàn đến Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, theo hướng thực hiện những dự án lớn, công nghệ cao hướng vào xuất khẩu, tạo điều kiện để xây dựng các trung tâm nghiên cứu gắn với đào tạo nguồn nhân lực.
(Nguồn: Tổng cục thống kê, Dữ liệu do V-I tổng hợp)
Xem các bài viết liên quan:
- Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư
- Thành lập công ty 100 % vốn nước ngoài
- Thành lập công ty liên doanh
- Thành lập chi nhánh công ty nước ngoài
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
- Thành lập văn phòng đại diện công ty nước ngoài tại Việt Nam
- Điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư
- Điều chỉnh do chuyển nhượng dự án