“Vợ tôi không bỏ trốn”
Về việc nợ tiền cá của Bianfish cô với nông dân dẫn đến việc công ty này bị kiện ra tòa, ông Trí cho biết: “Thời gian qua chúng tôi giãn nợ và chấp nhận trả lãi chứ không buông nợ, các khoản nợ sẽ có kế hoạch chi trả trong thời gian sớm nhất. Tôi thành thật xin lỗi bà con nông dân”.
Ông Trí, người vừa thôi giữ chức Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, cho rằng khi bà Hiền ủy quyền cho ông làm Tổng Giám đốc công ty, ông đã đến phòng công chứng số 2 - TP Cần Thơ để làm thủ tục ủy quyền nhưng phòng công chứng trả lời đây là ủy quyền hành chính nên không cần công chứng.
Theo ông Trí, Bianfishco đã ký hợp đồng đối tác bán 80% cổ phần của công ty với giá 120 triệu USD tuy nhiên ngày hôm qua, đối tác chỉ chấp nhận mua lại 80 triệu USD vì những thông tin trên báo và những cân nhắc liên quan đến nợ dân. Ông cũng cho biết hiện doanh nghiệp còn 2 hợp đồng xuất khẩu 18 triệu USD, 24 triệu USD qua Mỹ và Nhật.
Hiện, Bianfishco nợ nông dân 264 tỷ đồng, và kế hoạch trả nợ sẽ được công bố sau trao đổi cụ thể với đối tác - theo ông Trí. Cũng theo công bố của công ty này, họ đang rao bán hai dự án 83 Nguyễn Văn Trỗi và 73 Cao Thắng để trả nợ cho dân.
“Cho công nhân tạm nghỉ việc để sắp xếp lại”
“Nợ cũng đã có kế hoạch trả nợ, còn các khoản nợ ngân hàng sẽ thống kê lại. Hiện nay, không phải không có người bán cá cho tôi mà nhiều người kêu tôi mua cá nhưng tôi chưa có nguồn tiền. Tôi dự tính sẽ trả hết nợ mới mua cá để tiếp tục sản xuất. Vì vậy, thời gian này tôi phải tạm thời cho công nhân nghỉ việc”, ông Trí nói.
Buổi họp báo của Bianfishco cũng có sự góp mặt của một số nông dân bán cá cho công ty này. Ông Thái Bá Thi, một nông dân bán cá cho biết hiện công ty này đang thiếu nợ của ông khoảng 2 tỷ đồng gần 10 tháng chưa trả. Ông Thi cho biết vì khoản nợ này mà tài sản của ông có thể sẽ bị ngân hàng kê biên vì ông cũng đang nợ ngân hàng lúc đầu tư nuôi cá.
Tổng Giám đốc có được ủy quyền cho người khác điều hành công ty?
Quanh việc ủy quyền của Tổng Giám đốc (TGĐ) công ty để điều hành doanh nghiệp thay TGĐ, trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Phước Đại – Phó Giám đốc Công ty luật SPVN cho biết:
Có 2 vấn đề được đặt ra: Quyền của TGĐ và việc ủy quyền của Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân.
- Về quyền của TGĐ: Theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 70 Luật Doanh nghiệp năm 2005, trong các quyền của mình, TGĐ có quyền “Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty”. Như vậy, có thể thấy rằng, TGĐ không có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chính chức danh TGĐ. Nói cách khác, một người đang giữ vị trí TGĐ không có quyền tác động đến chức danh TGĐ mà họ đang nắm giữ.
- Về người đại diện theo pháp luật: Căn cứ Điều 46 Luật Doanh nghiệp, Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú tại Việt Nam; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam trên ba mươi ngày thì phải uỷ quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Theo Điều 16, Nghị định 102/2006/NĐ-CP:
Điều 16. Ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải cư trú ở Việt Nam; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác để thực hiện quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
2. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;
b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty hợp danh quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
3. Trường hợp vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nhiệm vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thì Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên công ty hợp danh cử người khác làm đại diện theo pháp luật của công ty.
NV: Đối chiếu với các quy định hiện hành, việc ông Trần Văn Trí điều hành Bianfishco thay bà Phạm Thị Diệu Hiền chỉ là được ủy quyền. Có nghĩa ông Trí không phải là TGĐ mới của Bianfishco khi chưa có quyết định bổ nhiệm hay hợp đồng với công ty này trên cơ sở quyết định của HĐQT công ty.